Thứ tư, 11/09/2024

BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ MÙA HANH KHÔ, TẾT NGUYÊN ĐÁN 2024

Thứ ba, 23/01/2024 136 lượt xem

Trong thời gian vừa qua, tình hình cháy, nổ trên toàn quốc có nhiều diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số vụ và thiệt hại do cháy gây ra. Đặc biệt vào cuối năm trong dịp Tết Nguyên đán, thời tiết hanh khô, các chợ, trung tâm thương mại và hộ kinh doanh dự trữ nhiều loại hàng hóa phục vụ cho Tết; nhu cầu sử dụng điện, gas, đốt hương, vàng mã tăng cao, cộng với tâm lý vội vàng nên nguy cơ dẫn đến sự cố, tai nạn và cháy, nổ xảy ra là rất lớn. Trước tình hình đó để góp phần hạn chế về số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, nhất là trong mùa hanh khô và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Công an tỉnh Ninh Bình đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, hộ gia đình kinh doanh buôn bán và nhân dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng cháy, chữa cháy như sau:

* Đối với các Chợ, trung tâm thương mại:

 Các hộ kinh doanh không bày hàng hoá lấn chiếm đường đi lại, lối thoát nạn, cửa ra vào. Bố trí, xắp sếp hợp lý các ngành hàng, gian hàng dễ cháy với hàng khó cháy. Không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất, hàng nguy hiểm cháy nổ như, xăng dầu, gas cồn, hoá chất. Không thắp hương thờ cúng, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong khu vực chợ. Trường hợp cần thiết phải sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bố trí ở khu vực riêng biệt, không phơi sấy vật liệu dễ cháy xung quanh bếp, sau khi dùng xong phải dập tắt lửa và dọn sạch than. Không tự ý cơi nới làm thêm mái vảy, mái che, sử dụng vật liệu dễ cháy để làm tường, trần, vách ngăn cho các kiốt, quầy hàng. Không cắm dây dẫn trực tiếp vào ổ cắm hoặc dùng giấy bạc và dây kim loại không phù hợp để thay thế cầu chì. Những nơi không có điện hoặc mất điện chỉ dùng đèn pin để chiếu sáng. BQL các chợ, TTTM trước khi đóng cửa phải tổ chức kiểm tra hệ thống điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt đảm bảo tuyệt đối an toàn. Phải bố trí lực lượng phương tiện thường trực sẵn sàng chữa cháy 24/24h.

* Đối với Các cơ sở sản xuất:

Phải có biện pháp khống chế và kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt. Khi sử dụng vật liệu, nhiên liệu, là các chất dễ cháy, nổ chỉ dự trữ đủ trong từng ca sản xuất. Hàng hóa sản xuất ra được di chuyển ngay, không lưu giữ tại nơi sản xuất. Vật tư, thiết bị trong kho phải được sắp xếp theo đúng quy định an toàn PCCC. Tại các nhà xưởng phải có phương án chữa cháy, trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn và thiết bị chiếu sáng sự cố. Bố trí lực lượng PCCC cơ sở trực 24/24h để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy nổ.

* Đối với Các cơ sở kinh doanh dịch vụ, xăng dầu, gas:

- Kiểm tra an toàn hệ thống điện, trang thiết bị chữa cháy, CNCH về số lượng, chất lượng; phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trữ lượng kho chứa, cửa hàng.

- Bố trí lực lượng thường trực CC&CNCH đủ đáp ứng nhu cầu xử lý sự cố ngay ở giai đoạn ban đầu nhất là ngoài giờ hành chính, ban đêm; tăng cường tuyên truyền nhắc nhở CBCNV luôn chấp hành tốt các quy định về an toàn PCCC không để sai sót, bất cẩn trong công tác PCCC&CNCH.

* Đối với các hộ gia đình:

- Thực hiện nghiêm túc các quy định về sử dụng pháo theo Nghị định số 137/NĐ-CP của Chính phủ.

- Hạn chế sử dụng các vật liệu dễ cháy như gỗ, nhựa, xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn, không lắp lồng sắt chống trộm ở cửa, lan can nhà nhiều tầng (nếu bắt buộc phải lắp thì phải để cửa thoát nạn, chìa khóa phải để nơi quy định mọi người trong nhà cùng biết đồng thời trang bị dụng cụ phá dỡ thoát nạn). Khi sử dụng cửa cuốn cần phải bố trí các biện pháp mở được cửa khi mất điện.

- Bố trí nơi thờ cúng hợp lý: Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương nến để trên bàn thờ. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn, tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.

- Đối với hệ thống điện: Chọn dây dẫn điện đủ tải, lắp đặt aptomat, cầu chì cho từng thiết bị có công suất lớn, cho từng tầng, từng phòng. Không để vật liệu dễ cháy gần bảng điện, cầu dao, thiết bị đốt nóng, thiết bị điện có công suất lớn (cách tối thiểu 50cm). Phải trông coi khi sử dụng ấm điện, bếp điện, bàn là, luôn ngắt các thiết bị điện không cần thiết trước khi ra khỏi nhà, trước khi đi ngủ.

- Ô tô, xe máy để trong nhà phải cách xa bếp đun nấu, nguồn lửa, nguồn nhiệt, bình chứa, dây dẫn xăng dầu phải kín, không nên bày bán, bảo quản các mặt hàng dễ cháy nổ trong khu dân cư tập trung như: Xăng, dầu, cồn, hoá chất, gas.

- Khi sử dụng bếp gas phải bố trí ở nơi thông thoáng, đủ ánh sáng, không có gió mạnh, xa nguồn nhiệt và các vật dụng dễ cháy, nổ khác. Nếu không dùng bếp gas nữa phải đóng van bình, khóa van bếp. Trong thời gian sử dụng phải có người lớn trông coi.

- Mỗi gia đình cần lắp đặt các đầu báo cháy độc lập, không dây để cảnh báo cháy sớm cho mọi người biết tổ chức chữa cháy, thoát nạn. Trang bị bình chữa cháy, hệ thống họng nước chữa cháy vách tường và tận dụng bể nước trên mái và các dụng cụ trữ nước để chữa cháy

          - Mỗi gia đình nên có dự kiến cách thoát nạn và xử lý tình huống  cháy có thể xảy ra; mọi người trong gia đình phải học tập để sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy, thoát nạn đã được trang bị.

          - Khi xảy ra cháy, người dân hãy bình tĩnh, nhanh chóng hô hoán, báo động cho những người xung quanh; ngắt toàn bộ hệ thống điện nơi xảy ra cháy; sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để khống chế đám cháy ở giai đoạn ban đầu; gọi điện thông báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số điện thoại 114.

Thực hiện tốt công tác PCCC là đảm bảo cho gia đình an khang, thịnh vượng, cơ quan, xóm phố được bình yên, hạnh phúc./.

 

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
567771

Trực tuyến: 4

Hôm nay: 33

Hôm qua: 64