Thứ bảy, 18/05/2024

Phường Nam Bình đẩy mạnh công tác Chuyển đổi số

Thứ hai, 27/06/2022 125 lượt xem

 

Phường Nam Bình  đẩy mạnh Chuyển đổi số

 

“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 03/6/2020, xác định rõ chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Chuyển đổi số quốc gia bao gồm 3 cấu phần chính, lần lượt là chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm phát triển chính phủ số, chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp nhằm phát triển kinh tế số, chuyển đổi số trong hoạt động của người dân nhằm phát triển xã hội số. Như vậy yếu tố đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân. Trong đó, nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; Người dân là trung tâm của chuyển đổi số, các vấn đề đặt ra trên cơ sở lắng nghe từ người dân, xuất phát từ nhu cầu của người dân và mang lại giá trị cho người dân.  Đây là 2 trong 6 nguyên tắc chung theo Khung chương trình chuyển đổi số.

Chuyển đổi số có đem lại lợi ích gì cho người dân không? Xin thưa là “Có”. Vì Chuyển đổi số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

          Trong đó, Chính phủ số nhờ dữ liệu số và công nghệ số thấu hiểu người dân hơn, vì vậy, cung cấp dịch vụ số tốt hơn, chăm sóc người dân tốt hơn.

Kinh tế số, cho phép mỗi người dân có thể tiếp cận toàn bộ thị trường một cách nhanh chóng, cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp, góp phần gia tăng năng suất lao động.

Chuyển đổi số có thể giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, mang lại một loạt những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống. Người dân có thể sống khỏe mạnh hơn nhờ các hình thức chăm sóc y tế kịp thời, vui vẻ hơn với các hình thức giải trí đa dạng và an toàn hơn.

Đối với phường Nam Bình, xác định công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ tất yếu, phải được tiến hành khẩn trương, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, trong thời gian qua, UBND phường Nam Bình đã thành lập Ban chỉ đạo gồm 16 đồng chí (do đồng chí Chủ tịch UBND phường làm Trưởng ban chỉ đạo), thành lập  các tổ công tác và ban hành Quy chế hoạt động, cụ thể hóa và phân công nội dung công việc theo chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức, cá nhân, tập thể. Xây dựng và triển khai các kế hoạch theo lộ trình chuyển đổi số của UBND thành phố

Nội dung chuyển đổi số được thường  xuyên lồng ghép vào các cuộc họp, hội nghị giao ban hàng tháng, quý của Đảng ủy, UBND phường để lãnh đạo, chỉ đạo. Đối tượng triển khai là cán bộ, công chức, các đồng chí bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, thủ trưởng các đơn vị, trường học và đảng viên, cán bộ, hội viên nhằm tăng cường sự lãnh đạo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò của mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong triển khai thực hiện chuyển đổi số từng bước đáp ứng và phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển tất yếu xây dựng chính quyền điện tử. Sau một thời gian thực hiện, công tác chuyển đổi số trên địa bàn phường Nam Bình đã đạt được một số kết quả nhất định.

- Về Xây dựng chính quyền số:

Cơ sở vật chất từng bước được đầu tư, nâng cấp. Trang thông tin điện tử được duy trì và hoạt động có hiệu với Chuyên mục “Chuyển đổi số”, “Cẩm nang Chuyển đổi số”  giúp người dân dễ dàng tiếp cận với quá trình chuyển đổi số Quốc gia. Mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II được lắp đặt đảm bảo phục vụ tốt các hội nghị trực tuyến của tỉnh và thành phố. Hệ thống Camera giám sát an ninh được lắp đặt tại trụ sở cơ quan và các tổ dân phố.  Phòng làm việc của Bộ phận “một cửa” được bố trí tại vị trí thuận và được đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị hiện đại  như máy vi tính, máy in, máy phô tô, máy scan thuận tiện cho cán bộ, công chức giải quyết công việc và tổ chức và công dân đến liên hệ giải quyết các thủ tục hành chính. Hệ thống các bảng biểu được niêm yết công khai như: Bảng niêm yết công khai các thủ tục hành chính; Nội quy phòng tiếp công dân; biểu mức thu phí, lệ phí; lịch về thời gian làm việc để tổ chức và cá nhân dễ dàng tiếp cận, thực hiện.

Hồ sơ cán bộ, công chức được quản lý trên phần mềm. 100% cán bộ, công chức được trang bị máy vi tính có kết nối mạng và sử dụng phần mềm chuyển nhận văn bản điện tử, sử dụng  hệ thống Thư điện tử công vụ của tỉnh để  trao  đổi  thông  tin,  gửi  nhận  hồ  sơ,  tài  liệu trong giải quyết công vụ, công việc.  

Đến nay, 93 % văn bản (trừ văn bản mật theo quy định) của cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, ký số theo quy định. 100% TTHC đều được thực hiện tiếp nhận qua hệ thống “một cửa điện tử”. Tất cả hồ sơ sau khi được tiếp nhận tại Bộ phận một cửa đều được scan thành phần hồ sơ, giấy tờ để thực hiện số hóa. Tính trong 5 tháng đầu năm nay, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả phường tiếp nhận  2.113 hồ sơ online /2.373 hồ sơ thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 89%).

Quy trình nội bộ, quy trình điện tử được cập nhật, bổ sung từng thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. Trên 40% hồ sơ được quản lý, xử lý và luân chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Trên 31.000 thủ tục hành chính bản giấy còn hiệu lực đang lưu trữ giai đoạn trước năm 1996 đến nay đã được rà soát, kiểm đếm để thực hiện số hóa. Chế độ nhập báo cáo Kiểm soát TTHC trên hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ được duy trì thường xuyên, đảm bảo thời gian và yêu cầu theo quy định

 

*Về Kinh tế số.

UBND phường đã thực hiện 100% việc thanh toán chế độ lương, phụ cấp và các khoản khác như tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, chứng từ …qua tài khoản ngân hàng. Tại bộ phận một cửa, công tác thu phí, lệ phí đảm bảo theo quy định hiện hành. UBND phường đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng và hóa đơn điện tử với trung tâm kinh doanh VNPT-Ninh Bình và ứng dụng dịch vụ  thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt bằng hình thức chuyển khoản khi tổ chức, công dân đến thực hiện các thủ tục hành chính; đã xây dựng kế hoạch nền tảng địa chỉ số phục vụ cho việc tìm kiếm địa chỉ, chỉ đường nhằm số hóa 100% địa chỉ nhà dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn phường.

* Về Xã hội số:

UBND phường đã thiết lập kênh giao tiếp thông qua mạng xã hội như zalo với tính năng thông tin nhanh nhạy đã phát huy hiệu quả thiết thực trong đợt dịch covid và trong chỉ đạo điều hành nhiệm vụ hàng ngày, hàng giờ. Ngoài ra, UBND phường đang thực hiện việc chuyển đổi từ Đài truyền thanh truyền thống sang Đài truyền ứng dụng công nghệ viễn thông nhằm đưa thông tin thiết yếu tiếp cận đến người dân được nhanh nhất, đầy đủ nhất, chính xác nhất.

Đối với các trường học, cơ sở giáo dục và cơ sở y tế đã triển khai kế hoạch hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong Đến nay, trên 80% người dân trên địa bàn  phường được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử và quản lý tiêm chủng Covid-19, Trạm Y tế triển khai phần mềm quản điều trị, sàng lọc tăng huyết áp, đái tháo đường. Tổ chức dạy và học trực tuyến, việc giao tiếp giữa nhà trường và phụ huynh trên mạng xã hội, trên sổ liên lạc điện tử đã thực sự rút ngắn khoảng cách giữa học sinh và giáo viên, phụ huynh và giáo viên.

Bên cạnh những kết quả đạt được trên, trong công tác chuyển đổi số trên địa bàn phường Nam Bình vẫn còn một số khó khăn, hạn chế từ nguyên nhân chủ quan và khách quan. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất đã được đầu tư song còn chưa đồng bộ. Một số máy tính cấu hình thấp gây khó khăn cho việc triển khai phần mềm ứng dụng, phát triển CNTT. Việc số hóa 100% địa chỉ nhà dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn  phường lên bản đồ số còn khó khăn. Tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận và giải quyết trả kết quả hoàn toàn trực tuyến không có do khoảng cách địa lý từ trụ sở UBND phường đến nhà công dân không xa. Người dân vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt để thanh toán phí, lệ phí nên hình thức thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ thấp. Việc triển khai ký số trong giải quyết TTHC và trả kết quả trực tuyến gặp nhiều vướng mắc do kết quả giải quyết TTHC trực tuyến chưa được nhiều đơn vị chấp nhận do gặp vướng mắc ở các luật, các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, đặc thù nên vẫn cần sử dụng song song bản kết quả giấy. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế do không được đào tạo cơ bản chuyên môn lĩnh vực công nghệ thông tin.

Chuyển đổi số có thể xem là chuyển đổi từ phương thức, mô hình làm việc truyền thống sang phương thức, mô hình làm việc hiện đại với sự trợ giúp đắc lực của công nghệ thông tin. Xét cho cùng, chuyển đổi số là phục vụ người dân. Mỗi người dân trở thành công dân số thì chuyển đổi số mới thành công. Do vậy, chuyển đổi số mang ý nghĩa của một cuộc cách mạng toàn dân.

Cuộc sống không ngừng vận động, biến đổi. Mỗi người cũng cần không ngừng học tập, thay đổi, thích nghi, nếu không sẽ bị bỏ lại ở phía sau./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
560947

Trực tuyến: 4

Hôm nay: 30

Hôm qua: 56